Truy tố 254 bị can bị trong đại án sai phạm lĩnh vực đăng kiểm
VKSND TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 254 bị can về 11 tội danh liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm.
Đáng lưu ý, 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam là bị can Đặng Việt Hà bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” và Trần Kỳ Hình (người tiền nhiệm của ông Hà) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngoài ra, 252 bị can thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng bị truy tố về 2 tội trên và hàng loạt tội danh khác, như: Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Giả mạo trong công tác; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức...
Bị can Đặng Việt Hà thời điểm bị Công an bắt giữ.
Theo nội dung cáo trạng, các bị can nguyên là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, buông lỏng quản lý, đưa ra nhiều chủ trương trái quy định để nhận hối lộ, chia tiền hối lộ từ các đơn vị trực thuộc cục, các chi cục, trung tâm đăng kiểm và doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn cả nước với số tiền lớn trong quá trình duyệt, cấp mã số thành lập các trung tâm đăng kiểm tư nhân; thẩm định thiết kế cải tạo phương tiện xe cơ giới; đăng kiểm định kỳ phương tiện cơ giới đường bộ và thủy nội địa.
Cụ thể, từ tháng 1/2014 - 7/2021, bị can Trần Kỳ Hình nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm. Sau đó, ông Hình bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động trung tâm đăng kiểm, kiểm định phương tiện, thẩm định hồ sơ thiết kế…để nhận hơn 6,5 tỉ đồng và 23.000 USD. Còn bị can Đặng Việt Hà đã để xảy ra tiêu cực có hệ thống trên địa bàn cả nước trong thời gian dài.
Cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền nhận hối lộ của ông Hà hơn 40 tỉ đồng. Trong đó, ông Hà hưởng lợi gần 9 tỉ đồng và 13.000 USD.
Từ chủ trương chỉ đạo ở cấp trên, các bị can thuộc phòng Kiểm định xe cơ giới (phòng VAR), phòng Tàu sông (phòng VR) đã nhận tiền hối lộ từ các trung tâm, chi cục đăng kiểm để bỏ qua các lỗi, thiếu sót về pháp lý, điều kiện hoạt động, đầu tư, mua sắm, nhân sự... khi thẩm duyệt hồ sơ xin thành lập và tạo điều kiện trong quá trình hoạt động của các trung tâm, chi cục đăng kiểm.
Quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới, các bị can còn nhận hối lộ từ các công ty thiết kế phương tiện cải tạo để cấp thẩm định đạt dù có nhiều hồ sơ không đủ điều kiện.
Qua đó, một số trung tâm đăng kiểm không đủ điều kiện nhân lực đã thực hiện hành vi giả mạo trong công tác, lập khống danh sách đăng kiểm viên, giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên hoặc đóng giả đăng kiểm viên không thực tế làm việc tại trung tâm đăng kiểm.
Đáng chú ý, một số nơi còn sử dụng phần mềm chỉnh sửa các thông số kỹ thuật đối với phương tiện cơ giới đường bộ để can thiệp, chỉnh sửa kết quả kiểm định (khí thải, phanh, đèn…) của xe cơ giới.
Các sai phạm có hệ thống, xuyên suốt xảy ra trong một thời gian dài đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân tham gia giao thông.
Thiên Bình
(theo baovephapluat.vn)
Nguồn: https://baovephapluat.vn/cong-to-kiem-sat-tu-phap/truy-to/truy-to-254-bi-can-bi-trong-dai-an-sai-pham-linh-vuc-dang-kiem-157208.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Sửa đổi Luật Đầu tư công: Thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền
- Đảm bảo sự thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo trong quy hoạch
- Quy định về cấp, đổi lại các loại Giấy phép lái xe được cấp trước ngày 1/1/2025
- Sửa Luật Đầu tư công: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
- Tháo gỡ đến cùng các khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp
- Tháo gỡ vướng mắc pháp lý gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
- Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2024